Chiếc Áo Bà Ba Đặc Trưng Của Vùng Sông Nước Miền Tây Nam Bộ

Nếu nhắc đến chiếc áo tứ thân, cái khăn mỏ quạ, chiếc nón quai thao thì người ta liên tưởng ngay đến những cô gái ở vùng Kinh Bắc thướt tha cùng những làn điệu quan họ trữ tình. Còn nếu nói đến chiếc áo dài, chiếc nón bài thơ, người ta sẽ hình dung ra vẻ đẹp thùy mị, quyến rũ của những cô gái Huế ở đất Thần Kinh bên bờ sông Hương núi Ngự. Nhưng khi nói đến chiếc áo bà ba, khăn rằn quấn cổ, người ta lại liên tưởng đến vẻ đẹp thuần hậu, mộc mạc, dịu dàng của những cô gái nơi vùng sông nước miền Tây Nam bộ.

Cho đến nay, chưa có nguồn tài liệu nào khẳng định chiếc áo bà ba xuất hiện vào thời điểm nào. Nhưng có một số giả thiết cho rằng, chiếc áo bà ba xuất hiện đầu tiên ở vùng đất phương Nam vào thời Hậu Lê; có giả thuyết khác lại cho rằng, chiếc áo bà ba xuất hiện ở Nam bộ vào khoảng nửa đầu thế kỷ 19, do nhà bác học Trương Vĩnh Ký cách tân từ kiểu áo của người Bà Ba - là người Mã Lai lai Trung Hoa, sống trên đảo Pé-nang của Malaysia. Một giả thuyết khác lại cho rằng, áo bà ba ảnh hưởng, cách tân từ chiếc áo lá và áo xá xẩu may bằng vải buồm đen của người Hoa,… Cho dù, chiếc áo bà ba có tự khi nào và có xuất xứ như thế nào, thì hình ảnh người phụ nữ trong trang phục bộ bà ba đen, khăn rằn và chiếc nón lá đã kết hợp lại với nhau, trở thành nét biểu trưng độc đáo cho vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp văn hóa của người phụ nữ sông nước miền Tây Nam bộ.

 

Ngược dòng lịch sử, trở về với vùng đất Nam bộ từ thuở sơ khai, nơi đây, hơn 300 năm trước vẫn còn là vùng đất hoang vu, cỏ cây rậm rạp. Những lưu dân người Việt trên bước đường di cư vào Nam đã chọn làm nơi định cư bởi nơi đây sông ngòi chằn chịt, đất đai màu mỡ, thuận lợi cho việc khai hoang lập ấp. Bộ y phục thường ngày của những lưu dân người Việt ở Nam bộ lúc bấy giờ chủ yếu là áo ngắn và quần dài. Về sau đã có sự cải tiến cho bộ y phục ban đầu ấy thành bộ y phục thông dụng mà chúng ta thấy ngày nay đó là bộ quần áo có tên bà ba.

Miền Nam có khí hậu nóng ẩm quanh năm với hai mùa mưa nắng rõ rệt, nên người dân Nam bộ trước đây thường chọn vải để may áo bà ba luôn là loại vải một, vải ú, vải sơn đầm... rất mau khô sau khi giặt, chất liệu vải thường mềm và mát, nhằm giúp người mặc cảm thấy thoải mái, mát mẻ ngay trong những ngày nắng nóng gay gắt. Còn người nông dân thường chọn bộ bà ba đen để mặc khi đi làm đồng, hay đánh bắt cá trên các sông rạch, bởi nó vừa sạch, vừa dễ giặt giũ.

Áo bà ba vốn là loại áo không cổ. Thân áo phía sau may bằng một mảnh vải nguyên, thân trước gồm hai mảnh, ở giữa có hai dải khuy cài chạy dài từ trên xuống. Cổ áo được may theo kiểu hình tròn, hình trái tim. Áo được may chít eo, xẻ tà vừa phải ở hai bên hông làm cho người mặc cảm thấy thoải mái, gần vạt áo có thêm hai túi to khá tiện lợi cho việc đựng những vật dụng nhỏ như thuốc rê, hộp diêm, hộp quẹt, trầu cau, tiền bạc... Chính nhờ tính tiện dụng và sự thoải mái đó, chiếc áo bà ba được đàn ông lẫn phụ nữ ở miền Tây Nam bộ sử dụng, mặc cả lúc đi làm, đi chợ hoặc đi chơi. Những lúc đi làm hoặc ở nhà, họ thường chọn gam màu tối như nâu, đen, riêng lúc đi chơi, họ thường chọn màu sắc của áo nhẹ hơn, đàn ông thường chọn màu trắng, màu xám tro; còn các cô, các bà thì chọn màu mạ non, xanh lơ nhạt... với chất liệu vải đắt tiền hơn như the, lụa… Đối với đàn ông thì áo rộng và dài, không cầu kỳ, còn phụ nữ thì độ dài của áo chỉ trùm qua mông, gần như ôm nhẹ thân mình, họ biết kết hợp mặc áo bà ba với chiếc quần đen dài chỉ chấm đến cổ chân hoặc gót chân nên đã làm tăng thêm nét đẹp của hình hài vóc dáng người phụ nữ, với chiếc lưng ong nhẹ nhàng, bờ vai tròn, thân hình mềm mại, làm say đắm lòng người.

 

Áo bà ba được xem là trang phục đơn giản nhất, không cầu kỳ như nhiều loại trang phục khác, nhưng nó lại là biểu tượng, là tâm hồn, là kết tinh của quê hương xứ sở, là hồn của người dân Việt trải qua hơn ba trăm năm kể từ khi cha ông ta khai hoang mở đất phương Nam. Sự giản đơn, không cầu kỳ của chiếc áo bà ba rất phù hợp với quan điểm sống của con người nơi vùng đất phương Nam luôn đề cao sự giản dị, nhưng chân thành, phóng khoáng. Chiếc áo bà ba đã làm nao lòng biết bao thi nhân, nhạc sĩ đến với vùng đất phương Nam , để rồi họ dệt nên những vầng thơ, những nốt nhạc với cung bậc nhẹ nhàng trầm bổng, ca ngợi về chiếc áo bà ba và bóng hình của người phụ nữ Nam bộ.

Áo bà ba tự bao đời nay đã gắn liền với hình ảnh của người phụ nữ Nam bộ. Hình ảnh đó rất dịu dàng, đôn hậu nhưng cũng rất mạnh mẽ, trung kiên, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong chiến tranh, hình ảnh của các bà, các mẹ, các chị với chiếc áo bà ba, khăn rằn, tay cầm đuốc, cầm mõ, cầm khẩu hiệu xông pha đối đầu với kẻ thù, hoặc họ ngồi trên những chiếc xuồng ba lá, tạo thành tầng tầng, lớp lớp sóng người trên những dòng sông kéo nhau đi đấu tranh trực diện với kẻ thù. Và có biết bao chiếc áo bà ba ấy đã thấm đẫm mồ hôi và máu của những người phụ nữ anh hùng, đã chiến đấu và hi sinh cho Tổ quốc. Hình ảnh đó đã trở thành một biểu tượng cao đẹp trong trang sử của một thời hào hùng dân tộc. Hình ảnh của các nữ du kích mặc áo bà ba đen, quấn khăn rằn, đội nón tai bèo, tay cầm súng đã trở thành một biểu tượng bất tử về sự kiên trung, bất khuất, giàu lòng yêu nước của người con gái Nam bộ. Nhà thơ Tố Hữu đã phải bất ngờ và sửng sốt trước hình ảnh: “…Xuồng ai đó, bơi trong lau lách/ Áo bà ba, súng nách, tay chèo?/ Hỡi đồng chí dọc ngang sông rạch /Hãy cho hồn ta ruổi ruổi theo!...”.

 

Ngày nay, đất nước đã thanh bình, hình ảnh của những người phụ nữ mặc áo bà ba, khăn rằn trong những tháng năm đấu tranh, hoặc cùng bà Định, bà Điểm đứng lên kháng chiến chống lại kẻ thù trong phong trào Đồng Khởi năm 1960 chỉ còn trên những thước phim tư liệu, hình ảnh hoặc trong trí nhớ của những người cùng thời. Nhưng ngày nay, chúng ta vẫn có thể thấy hình ảnh của những người phụ nữ Nam bộ vẫn đảm đang mỗi khi mặc chiếc áo bà ba ra đồng, mềm mại trên những chuyến đò ngang, hoặc thấp thoáng đâu đây bên những rặng dừa, gió thổi tung tà áo trên những chiếc cầu tre lắt lẻo hay bay bổng trong điệu hò điệu lý nghe ngọt ngào tha thiết.

Cùng với chiếc áo bà ba là chiếc khăn rằn nhỏ bé, nhưng chúng không tách rời mà tạo thêm vẻ duyên dáng của người phụ nữ Nam bộ. Có người cho rằng, chiếc khăn rằn nguyên thủy là của người Khmer, trong quá trình tụ cư chung sống, người Việt đã tiếp nhận vốn văn hóa này vào đời sống của mình. Chiếc khăn rằn có chiều dài khoảng 1,2m, rộng khoảng 40-50 cm, thường có hai màu: đen trắng hoặc nâu trắng, kẻ thành những ô vuông nhỏ trải khắp mặt khăn. Khăn được người ta vắt gọn trên đầu hoặc được quàng lên cổ, một đầu khăn thả xuống trước ngực, một đầu thả xuống sau lưng, hay hai đầu buông xuống phía trước, tạo thêm nét duyên dáng, đằm thắm cho người phụ nữ. Với nam giới, khăn được cột ngang vầng trán, để hai đuôi khăn nhô lên đầu, nút khăn nằm ở phía trước. Khăn rằn đã trở thành một vật dụng tiện lợi và thân thiết cho mọi người, mọi giới trong lao động, chiến đấu và sinh hoạt, để che cơn nắng, thấm dòng mồ hôi, chắn ngọn gió lốc, cả để lau khô dòng nước mắt hay giấu đi một nụ cười…Chiếc khăn rằn cùng chiếc áo bà ba đã trở thành hình ảnh đồng hành gắn bó với cuộc sống của người dân vùng đất phương Nam.

 

Từ một bộ bà ba đen ban đầu, theo thời gian sở thích và nếp sinh hoạt thay đổi dần dần nó được hoàn thiện thêm với đủ các cung bậc trầm bổng của màu sắc, họa tiết, hoa văn. Nhiều nhà thiết kế, nhà tạo mẫu có tâm huyết, muốn kế thừa và phát huy truyền thống của trang phục đã có những cải tiến, phá cách thành công để áo bà ba không những sống trong đời sống hàng ngày mà nó còn sống trên sân khấu thời trang, hòa nhịp cùng tiết điệu của cuộc sống hiện đại cùng bạn bè năm châu. Nhưng lại cũng có không ít mẫu mang những kiểu dáng, pha lẫn họa tiết, màu sắc, được cải biến một cách tùy tiện nếu không muốn nói là lố lăng, làm giảm thậm chí mất đi cái đẹp tự thân của bộ bà ba truyền thống.

Ngày nay, giữa nhịp sống ồn áo náo nhiệt, dù thời gian có làm cho bao giá trị thay đổi đi, nhưng hình ảnh các bà, các mẹ các chị, các vẫn mặc chiếc áo bà ba thấp thoáng bên những rặng dừa xanh, bên bếp lửa hồng, giữa chợ đông người, hay những thiếu nữ e ấp trong chiếc áo bà ba đang chèo thuyền trên sông, áo bà ba phấp phới bay trên những chiếc cầu tre lắc lẻo qua sông. Dù ở đâu, khi nào đi nữa, người ta cũng dễ dàng say đắm trước vẻ đẹp mộc mạc, duyên dáng của chiếc áo bà ba nền nã đó đến nao lòng. Chiếc áo bà ba chân chất giản dị đó như một nét hồn quê vẫn ẩn hiện đâu đây, vẫy gọi những đứa con đi xa, những thi nhân, mặc khách tìm về với vùng sông nước miền Tây Nam bộ.

 

Đặc trưng của chiếc áo bà ba có dạng cổ tròn, cổ trái tim hoặc cổ thìa, nhưng giờ đây dưới bàn tay biến tấu của các nhà thiết kế hoặc do sở thích cá nhân, cổ áo được may theo nhiều kiểu khác nhau, khi thấp, khi cao, khi trễ nải, lúc hình vuông, hình lá, lúc khoét rộng hở hang; hoặc do đặc điểm khí hậu, tự nhiên của vùng đất Nam bộ nắng gió, nhiều sông rạch nên chiếc áo chỉ được chít eo và xẻ tà thấp, để dù có đi làm hoặc đi chơi, nắng gió sông nước chỉ đủ làm tung nhẹ tà áo mà không để làm mất đi vẻ e ấp kín đáo của người phụ nữ, nhưng giờ đây người ta chít eo cao lên, vạt áo xẻ thật dài, xẻ thật cao gần về phía nách; hoặc bộ bà ba đen nguyên sơ dân dã trở nên nhiều hình nhiều vẻ, lòe loẹt sắc màu, thêu thùa biết bao hoa lá rồng phượng,… Do đó, các nhà thiết kế, nhà tạo mốt, trước khi thực thi những ý tưởng sáng tạo nào đó nên chăng hãy để tâm một chút tìm hiểu về chiếc áo bà ba để nắm được cái hồn, cái nét đặc trưng của bộ y phục gốc, để từ đó sẽ có những sự biến tấu, cải biên phù hợp, không lạm dụng mà vẫn kế thừa bản sắc văn hóa của dân tộc.

Có nhiều ý kiến cho rằng, “Ngày nay, những giá trị xuất phát từ cái áo mang vẻ đẹp thuần khiết ấy, đơn sơ ấy đang bị mai một dần đi. Cái áo một thời ra đồng, thấp thoáng trên những chuyến đò ngang nay chỉ xuất hiện trên sân khấu, trong các hội thi tuyển chọn sắc đẹp, gần hơn nữa thì xuất hiện ở các khu du lịch miệt vườn hoặc khu di tích kháng chiến của quân dân Nam bộ mà thôi”. Mong sao, chiếc áo bà ba đã đi vào thơ và nhạc ấy mãi mãi là niềm tự hào, là trang phục đặc trưng của con người nơi vùng đất phương Nam Tổ quốc cần được bảo tồn và gìn giữ.
-----ST